Gần đây, chúng ta nghe nhiều về hai chữ “phông bạt” thông qua việc quyên góp từ thiện sau cơn bão Yagi. Một số cá nhân, người nổi tiếng, thậm chí là tổ chức có hành vi chỉnh sửa bằng chứng đóng góp. Họ cố tình thêm vài số 0 vào sau khoản tiền quyên góp thực tế rồi khoe khoang sự hảo tâm của mình lên mạng xã hội. Đến khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – cơ quan tiếp nhận tiền quyên góp – công bố sao kê chi tiết toàn bộ các khoản đóng góp. Rất nhiều người lúc này mới bị vạch trần hành vi giả dối, sống ảo, và bị gắn mác “phông bạt”. Vậy phông bạt là gì?
Contents
Bản chất cốt lõi của sự phông bạt là gì?
Phông bạt được hiểu theo nghĩa bóng là mô tả một lối sống hoặc cách thức hành xử chú trọng chủ yếu vào hình thức bề ngoài. Nó có phần hão huyền và không thực tế. Chúng ta có một từ căn bản và cốt lõi để nói về hành vi/hành động này. Đó là giả tạo.
Sự khác nhau giữa phông bạt và sự giả tạo nói chung là gì?
Không phải ai lúc nào cũng có thể sống thật với bản chất. Mỗi người đều có chút giả bộ, dù ít hay nhiều, để đối phó với thế giới xung quanh. Đó có thể là giả bộ yêu thích một tác phẩm của người khác, giả bộ thích gặp gỡ người này người nọ dù trong thâm tâm vô cùng chán ghét, hay giả bộ có cuộc sống sang giàu để nhận bão “like” trên mạng xã hội.
Nhưng, người giả tạo thì xem sự lùa dối là giá trị mặc định. Người giả tạo thay đổi giá trị của họ tùy theo môi trường xung quanh. Họ hành động không giống với suy nghĩ thực của họ. Những người giả tạo quan tâm rất nhiều đến cách họ sẽ được nhìn nhận thông qua nỗ lực tỏ ra hiểu biết hơn, có văn hóa hơn hoặc khoe khoang thành tích. Thậm chí, không ít cá nhân phông bạt, khoe khoang tài sản và thành tích hòng “lùa gà”, lôi kéo, dụ dỗ người khác vào đường dây kinh doanh/tổ chức của họ, từ đó đục nước béo cò để tăng thu nhập cho bản thân.
Tại sao lại có những người cư xử như vậy? Nguồn cơn của giả tạo (tất nhiên bao gồm cả phông bạt) thường nằm ở sự bất an và mong muốn được công nhận. Khi ai đó cảm thấy không đủ năng lực hoặc sợ không được tôn trọng, họ có thể bù đắp bằng cách phóng đại hình ảnh bản thân.
Động lực nào thúc đẩy hành vi phông bạt nói riêng, và sự giả tạo nói chung?
Có nhiều lý do. Một số người giả tạo thực sự tin rằng họ tài giỏi hơn những người khác và muốn điều đó được biết đến rộng rãi. Một số lại thể hiện mình khác đi chỉ vì nỗi sợ bị coi là tầm thường. Trường hợp hạ mình khiêm tốn cũng là kiểu giả tạo che giấu sự bất an. Ngoài ra còn có hội chứng kẻ mạo danh (Imposter Syndrome). Đây là trạng thái con người nghi ngờ về những thành công mình đã đạt được và tự hỏi liệu mình có xứng đáng nhận được điều đó hay không.
Sự giả tạo cũng có thể học được và trở thành phản xạ thay vì là tự nguyện. Một người có thể có được một số phong cách ứng xử và thói quen giả tạo thông qua thẩm thấu từ môi trường xã hội và văn hóa xung quanh. Cũng có thể bằng cách giao lưu với những người khác có khuynh hướng đó.
Gốc rễ tâm lý của giả tạo chính là tính tự phụ – thứ đã ăn sâu vào tiềm thức con người. Về bản chất, hành vi tự phụ thường là cơ chế đối phó với cảm giác bất lực hoặc lòng tự trọng thấp. Khi ai đó cảm thấy không an toàn về giá trị hoặc khả năng của mình, họ có thể giả vờ tự phụ để bảo vệ mình khỏi sự phán xét hoặc từ chối. Thay vì chấp nhận bản thân mình như vốn có và tìm cách thay đổi nó, những cá nhân tự phụ tạo ra một phiên bản lý tưởng để trình bày với thế giới.
Hành vi này cũng có thể liên quan đến lý thuyết so sánh xã hội. Các cá nhân xác định giá trị xã hội dựa trên cách họ so sánh bản thân với người khác. Trong nỗ lực để so sánh, những người tự phụ thường phóng đại thành tích hoặc kiến thức của mình, hy vọng đạt được sự công nhận mà họ khao khát.
Hơn nữa, không thể bỏ qua ảnh hưởng của áp lực xã hội. Trong một thế giới mà thành công được coi là giá trị, thì việc không thành tích gì nổi trội bị cho là tầm thường hoặc thất bại. Từ đó nó khiến mọi người có những hành vi giả tạo, gian dối.
Những cách nhận biết hành vi giả tạo
Việc xác định hành vi giả tạo có thể là một thách thức, đặc biệt là khi nó được thể hiện một cách tinh tế và tinh vi. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu phổ biến có thể giúp bạn nhận ra ai đó đang giả tạo. Những dấu hiệu này thường kết hợp giữa lời nói và hành động.
Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là khoe khoang quá mức. Những cá nhân “phông bạt” thường nhấn mạnh vào thành tích và tài sản của mình bất chấp lý do hay hoàn cảnh. Họ có thể nhắc đến những người có ảnh hưởng mà họ biết hoặc liên tục kể về thành công của bản thân. Từ đó khiến cuộc trò chuyện trở nên phiến diện.
Một dấu hiệu khác là sử dụng ngôn ngữ phức tạp và thuật ngữ chuyên ngành. Mọi người thường chỉ sử dụng các thuật ngữ kỹ thuật trong bối cảnh phù hợp, phục vụ cho công việc chuyên môn. Thế nhưng, thay vì giao tiếp đơn giản rõ ràng, những cá nhân thích thể hiện thường sử dụng vốn từ vựng phức tạp để “tạo nét”, “ra vẻ”, gây ấn tượng với người khác. Điều này có thể khiến cuộc trò chuyện trở nên khó theo dõi. Thậm chí khiến người khác cảm thấy bị thấp kém khi thiếu (hoặc không có) kiến thức ở lĩnh vực/chuyên môn đó.
Những người giả tạo cũng có xu hướng thống trị các cuộc trò chuyện. Họ thường ngắt lời người khác để lái cuộc thảo luận trở lại với chính mình. Họ có thể bỏ qua những đóng góp của người khác hoặc bác bỏ các quan điểm thay thế. Điều này cho thấy sự thiếu quan tâm thực sự đến những gì người khác nói.
Những tín hiệu phi ngôn ngữ như ngôn ngữ cơ thể (body language) cũng có thể chỉ ra sự giả tạo. Ví dụ, họ có thể tỏ ra nổi trội, duy trì sự xuất hiện, lấn lướt người khác. Hoặc sử dụng cử chỉ và biểu cảm bạ bệ người khác.
Nhận ra các dấu hiệu này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn và điều hướng các tương tác với những cá nhân giả tạo. Nó cho phép bạn duy trì sự bình tĩnh và chân thực, đảm bảo rằng bạn không bị cuốn vào nhu cầu được công nhận, tung hô của họ.
Đừng để bản thân trở thành đồng loã của kẻ phông bạt
Quay trở lại với những kẻ “phông bạt” để kiếm chác, dụ dỗ người nhẹ dạ cả tin gia nhập tổ chức của họ. Đây là điều thường thấy ở ngành hàng kinh doanh đa cấp. Một khi đã bước chân vào, bạn phải tuân theo những quy tắc, luật lệ riêng. Dần dần biến mình giống như họ. Bỗng nhiên, bạn cảm thấy chính bản thân bạn cũng trở nên giả tạo.
Tại sao một người giả tạo lại có thể có tác động đến vậy đối với một người chân thực và chính trực hơn? Là vì chúng ta không chống lại, mặc dù chính chúng ta tuyên bố không thích điều đó!
Phần đông chúng ta giống như những kẻ đồng lõa khi nhận ra hành vi phông bạt nhưng vẫn để điều này xảy ra. Chúng ta nói rằng mình đề cao sự chân thực nhưng không hành động như vậy. Trong khi mọi người có thể nói sau lưng một kẻ kiêu ngạo rằng họ tệ hại, xấu xa như thế nào. Thế nhưng ở trước mặt họ, đâu phải lúc nào chúng ta cũng công khai chỉ trích. Vì lịch sự, chính chúng ta cũng vờ như tôn trọng đối phương. Đôi lúc có chút sân si, chặt chém, kiêu ngạo hơn vì biết mình có thực lực hơn họ. Hay trong công việc lẫn kinh doanh, bạn vẫn cố tỏ ra vui vẻ, hợp tác với người mà bạn chẳng mấy ưa vì tính tình hay “nổ” về bản thân. Vậy thì, ai mới là người giả tạo?
Luôn có sự nhập nhằng giữa hành vi giả tạo và bản chất giả tạo. Không phải ai cũng thích hành vi này. Nhưng tất cả chúng ta đều nhận ra hành vi giả tạo ở cả bản thân và người khác. Hãy biết điểm dừng ở đâu, đừng để bản thân bị cuốn theo những kẻ phông bạt.
Harper’s Bazaar Việt Nam
🎯 Top1Go : LINK ĐẾN BÀI VIẾT GỐC